Cơ sở Cai nghiện ma túy số 3 Hà Nội làm tốt nhiệm vụ mới “cung cấp các dịch vụ cai nghiện ma túy đối với người cai nghiện ma túy

Đăng vào 03/06/2024

Cơ sở Cai nghiện ma túy số 3 Hà Nội là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, được thành lập theo Quyết định số 56/QĐ-UBND ngày 28 tháng 04 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội với tên gọi ban đầu là Trung tâm GDLĐXH số III.

Cơ sở Cai nghiện ma túy số 3 Hà Nội là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, được thành lập theo Quyết định số 56/QĐ-UBND ngày 28 tháng 04 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội với tên gọi ban đầu là Trung tâm GDLĐXH số III. Quá trình hình thành và phát triển của Cơ sở Cai nghiện ma túy số 3 Hà Nội đã trải qua nhiều lần đổi tên và bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ mới để phù hợp với tình hình thực tế công tác và đáp ứng yêu cầu công việc.
 
Ngày 27/4/2024 UBND thành phố Hà Nội ký Quyết định số 2240/QĐ-UNND Quyết định về việc tổ chức lại Cơ sở Cai nghiện ma túy số 3 Hà Nội thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội, ngoài các chức năng, nhiệm vụ cũ đơn vị có thêm chức năng, nhiệm vụ mới là cung cấp các dịch vụ cai nghiện ma túy đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện. Trước đó, đơn vị đã chuẩn bị đầy đủ các quy trình, thủ tục, cơ sở vật chất sẵn sàng tiếp nhận học viên cai nghiện tự nguyện, từ nơi cắt cơn chữa trị, nơi ăn, ở và sinh hoạt cho người vào cai nghiện tự nguyện. Chủ động trong công tác tuyên truyền để mọi người hiểu được các quy trình, thủ tục hành chính theo Nghị định 116/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ trên hệ thống loa phát thanh, trên Wepsite, Fanpage…
 
Ảnh: Các học viên tiếp cận các thông tin của đơn vị
Về chế độ chính sách đối với người vào cai nghiện ma túy tự nguyện thì Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND ngày 06/12/2023. Theo đó người vào cai nghiện tự nguyện có nơi thường trú, tạm trú trên địa bàn Hà Nội cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập của Thành phố, khi hoàn thành đủ 03 giai đoạn quy định tại các điểm a, b, c khoản 1 Điều 29 Luật Phòng, chống ma túy thì được hỗ trợ toàn bộ kinh phí cai nghiện tự nguyện. Cụ thể:
 
Tiền ăn bằng 0,8 mức lương cơ sở hiện hành, ngày Tết nguyên đán được ăn thêm không quá 0,5 lần tiêu chuẩn ngày thường…
 
Tiền thuốc cắt cơn, giải độc, thuốc điều trị rối loạn tâm thần và điều trị các bệnh cơ hội khác (nếu có): theo thực tế phát sinh, tối đa 650.000 đồng/người/lần chấp hành quyết định. Tiền thuốc chữa bệnh thông thường, phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS, các bệnh truyền nhiễm và phòng, chống dịch bệnh cho người bị ốm được điều trị tại cơ sở cai nghiện: tính theo chi phí thực tế và hóa đơn chứng từ hợp pháp. 
 
Tiền điện, nước sinh hoạt: 100.000 đồng/người/tháng. 
 
Tiền tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao và các hoạt động vui chơi giải trí khác: 60.000 đồng/người/6 tháng.
Ảnh: Các học viên cai nghiện tự nguyện sinh hoạt tại buồng ở
 
Ảnh: Chuẩn bị bữa ăn liên hoan cho học viên cai nghiện bắt buộc và tự nguyện
 
Xuất phát từ quan điểm coi nghiện ma túy là bệnh mãn tính của não bộ, điều trị là cả một quá trình lâu dài bao gồm tổng thể các can thiệp hỗ trợ về y tế, tâm lý, xã hội làm thay đổi nhận thức, hành vi nhằm giảm tác hại của nghiện ma túy và giảm tình trạng sử dụng ma túy trái phép. Cơ sở luôn đổi mới, nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ, coi người cai nghiện là bệnh nhân, là khách hàng để phục vụ. Thực hiện đúng hướng dẫn, quy trình điều trị: tiếp cận, đánh giá mức độ sử dụng ma túy và các vấn đề về tâm lý, xã hội và bệnh lý tâm thần của người sử dụng ma túy; xây dựng kế hoạch can thiệp, tổ chức các hoạt động tư vấn, trị liệu nhóm và các hỗ trợ về tâm lý, xã hội thích hợp.
 
Tổ chức tốt các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, tư vấn tâm lý, vật lý trị liệu, thể dục thể thao, văn hoá văn nghệ theo phác đồ và phù hợp với nhu cầu người cai nghiện. Quan tâm trang bị, mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ điều trị, cải thiện đời sống học viên. Tăng cường kết nối các trường dạy nghề, Trung tâm Dịch vụ việc làm, các doanh nghiệp trên địa bàn để tổ chức dạy nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho học viên.
            
Ảnh: Cán bộ, học viên tham gia các hoạt động TDTT
 
Cơ sở luôn lấy học viên làm đối tượng trung tâm để tổ chức các hoạt động, lấy hiệu quả điều trị cai nghiện làm mục tiêu hướng đến. Nhờ đó, đơn vị trở thành nơi gửi gắm niềm tin của nhiều gia đình có thành viên vướng vào ma túy.
Người viết: Đỗ Văn Tình – Cơ sở Cai nghiện ma túy số 3 Hà Nội   
Nơi nhận:
- Ban biên tập Sở (để bc),
- Lưu: VT. KT.
 
PHÓ GIÁM ĐỐC
 
(Đã ký)
 
Trần Văn Bích